Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ và cách xử trí khi trẻ quấy khóc

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ và cách xử trí khi trẻ quấy khóc

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất và trí não của trẻ trong những năm tháng đầu đời. Trẻ sơ sinh quấy khóc suốt đêm, khó đi vào giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé mà còn khiến gia đình cảm thấy lo lắng và mệt mỏi. Vậy đâu là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ, dễ giật mình giữa đêm? Hãy cùng Autoru tìm hiểu cách giúp bé ngủ ngon, không còn quấy khóc ngay trong bài viết sau đây!

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh diễn ra như thế nào?

Trung bình trẻ sơ sinh có thể ngủ từ 18 - 20 tiếng/ ngày. Quá trình phát triển trí não của trẻ diễn ra mạnh mẽ trong quá trình ngủ của bé, đặc biệt là những tháng đầu. Trẻ sơ sinh khó ngủ, hay tỉnh giấc giữa đêm là tình trạng thường gặp, tuy nhiên nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và quá trình phát triển của bé.

Trung bình trẻ sơ sinh có thể ngủ từ 18 - 20 tiếng/ ngày

Ở tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh vẫn chưa biết phân biệt ngày đêm nên bé thường ngủ theo bản năng, ngủ vào ban ngày nhiều và ban đêm sẽ thức giấc. Trẻ ngủ gần như cả ngày và chỉ thức dậy đòi bú. Thời gian này, hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa phát triển hoàn toàn, dạ dày còn nhỏ nên rất dễ đói. Chính vì thế, bé thường thức giấc sau 2-3 giờ ngủ để đòi bú. Bé chỉ hạn chế quấy khóc, ngủ xuyên đêm khi bước qua 3 tháng tuổi.

Xem thêm: Chia sẻ nỗi vất vả chăm con cùng mẹ

Những nguyên nhân khiến trẻ khó ngủ, quấy khóc

Có rất nhiều tác nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ, quấy khóc nhưng chủ yếu là do tác động từ môi trường xung quanh và cách chăm sóc giấc ngủ cho bé từ mẹ. Một số nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh như: 

Do bé ngủ nhiều vào ban ngày nên khó đi vào giấc ngủ ban đêm

Như đã đề cập ở trên, trẻ sơ sinh chưa biết phân biệt ngày và đêm nên bé thường dành hầu hết thời gian ngủ vào ban ngày và ban đêm thường khó ngủ. Do đó, bố mẹ nên tập cho bé tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhiều hơn, tập cho bé phân biệt ngày và đêm, đồng thời điều chỉnh lại thời gian ngủ vào ban ngày của bé.

Nguyên nhân sinh lý về giấc ngủ của bé

Theo các chuyên gia nghiên cứu, giấc ngủ con người được chia thành hai giai đoạn: Non Rapid Eye Movement (Non - REM) và Rapid Eye Movement (REM). Ở người trưởng thành, giai đoạn Non - REM chiếm 75% tổng thời gian ngủ và giai đoạn REM sẽ diễn ra ở 25% thời gian còn lại. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh thì thời gian diễn ra 2 giai đoạn này gần như là bằng nhau.

Trẻ sơ sinh chưa biết phân biệt ngày đêm nên thường ngủ vào ban ngày nhiều hơn đêm

So với người trường thành, giai đoạn REM chiếm nhiều thời gian hơn trong giấc ngủ của trẻ. Khi giai đoạn REM diễn ra, nhịp tim của bé sẽ tăng nhanh do các cơ quan hô hấp tăng cường hoạt động. Vì thế, trẻ dễ bị giật mình và thường xuyên bị đánh thức từ những tác động xung quanh.

Thêm vào đó, tình trạng trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, bé hay thức dậy giữa đêm là do trẻ sơ sinh có chu kỳ ngủ 50 phút, ngắn hơn rất nhiều so với người trưởng thành (90 - 100 phút).

Xem thêm: Giúp bé ngủ ngon không còn bám mẹ

Thể trạng bé thiếu dưỡng chất

Thể trạng bé ốm yếu do sinh thiếu tháng, thiếu hụt dưỡng chất như sắt,  vitamin D, kẽm hay magie… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ, ngủ không yên giấc. 

Nguyên nhân bệnh lý khiến trẻ khó ngủ

Trẻ thường xuyên quấy khóc, khó ngủ có thể là biểu hiện tiềm ẩn nhiều bệnh lý

Giai đoạn 6 tháng đầu, các cơ quan của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện và bất kỳ tổn thương nào cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giấc ngủ của bé.  Chính vì thế, việc trẻ sơ sinh quấy khóc, khó ngủ có thể là biểu hiện của một số bệnh lý thường gặp như:

  • Béo phì: Nghe có vẻ không liên quan nhưng trên thực tế, việc bé bị béo phì, thừa cân có thể gây cản trở hoạt động hô hấp do tình trạng phì đại đường thở. Bé sẽ cảm thấy khó thở, thở bằng miệng từ đó dễ bị thức giấc và quấy khóc giữa đêm.

  • Đường hô hấp bị nhiễm khuẩn: Một số bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp có thể khiến trẻ khó ngủ như viêm phế quản, viêm hô hấp trên và viêm phổi… Trẻ sẽ thường xuyên khóc bất thường giữa đêm kèm theo đó là thở khò khè, khó thở và ảnh hưởng đến chất lượng ngủ của bé. Nguyên nhân gây bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ sơ sinh chủ yếu là do vi khuẩn.

  • Một số bệnh lý khác: vấn đề về thần kinh, trào ngược dạ dày, còi xương hoặc viêm tai giữa…

Đối với trường hợp bé thường xuyên quấy khóc do bệnh lý, bố mẹ cần đặc biệt chú ý và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị.

Xem thêm: Những bí mật về giấc ngủ của bé mà cha mẹ nên biết

Trẻ khó ngủ do tác động từ môi trường xung quanh

Một số yếu tố môi trường có thể khiến trẻ sơ sinh khó ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bé như: tiếng ồn, nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh, môi trường xung quanh quá nhiều ánh sáng (bé ít tiếp xúc ánh sáng tự nhiên nhưng tiếp xúc nhiều với ánh sáng đèn vào ban đêm).

Không gian ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bé

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, laptop có thể gây ức chế sản sinh hormone Melatonin. Hormone này đóng vai trò điều tiết nhịp độ sinh học cơ thể, giúp tinh thần tỉnh táo và cải thiện giấc ngủ. Do đó, việc sử dụng các thiết bị có ánh sáng xanh từ bố mẹ cũng có thể khiến bé khó ngủ, dễ giật mình vào ban đêm.

 

Trẻ quấy khóc do tã bị ướt, quần áo và giường chưa sạch sẽ

Làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, nếu bé chưa được thay tã hoặc quần áo bị ẩm ướt, giường nệm không được sạch sẽ sẽ khiến bé cảm thấy khó chịu và khó đi vào giấc ngủ.

Một số nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ, ngủ không sâu giấc còn xuất phát từ một số nguyên nhân như:

  • Ảnh hưởng từ mẹ trong quá trình mang thai. Nếu mẹ bị trầm cảm, lo âu và giờ giấc sinh hoạt không ổn định và khó ngủ có thể ảnh hưởng đến thể trạng của trẻ, khiến trẻ khó ngủ.
  • Do tính cách của trẻ khó tính, nghịch ngợm.
  • Bố mẹ chơi đùa và trò chuyện với trẻ quá nhiều, khiến trẻ bị kích thích trước khi ngủ.
  • Bố mẹ ép trẻ ngủ sai cách, khiến trẻ cảm thấy không thoải mái và khó ngủ. 

Nên làm gì khi trẻ sơ sinh khó ngủ, không chịu ngủ?

Tập thói quen sẵn sàng đi ngủ cho bé

Tạo môi trường thoải mái và chuẩn bị cho bé trước khi đi ngủ sẽ giúp bé hình thành thói quen nhận biết những hoạt động sắp đến giờ ngủ, từ đó giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn. Trước khi đi ngủ, mẹ cần vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ cho bé, thay tã và mặc quần áo giữ ấm cho bé. Những hoạt động có thể gây kích động trẻ như chơi đùa, nói chuyện nên kết thúc 2 - 3 giờ trước khi đến giờ bé đi ngủ.

Bố mẹ cũng nên tạo thói quen trước khi đi ngủ cho bé bằng một số hoạt động như tắm rửa, thay đồ, hôn chúc bé ngủ ngon hoặc hát ru… Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể sử dụng cũi cho bé để sắp xếp một môi trường ngủ thoải mái để bé có thể đi vào giấc ngủ ngon hơn bằng cách cho bé ngủ riêng.

Thay tã sạch sẽ trước khi đi ngủ giúp bé cảm thấy thoải mái hơn

Tập cho trẻ thói quen ngủ tự lập

Việc ru bé ngủ bằng cách bế trẻ trong vòng tay sẽ khiến trẻ cảm thấy phụ thuộc và khó dứt hơi mẹ. Chính vì thế, bố mẹ nên tập cho bé thói quen ngủ tự lập ngay từ nhỏ. Tạo cho bé một không gian ngủ riêng trong nôi hoặc cũi, sau đó nhẹ nhàng vỗ bé ngủ hoặc ru bé ngủ bằng âm nhạc nhẹ giúp bé tự ngủ và ít bám mẹ hơn.

Trên thị trường hiện nay cũng đã có một số loại nôi cũi tự động, có thể giúp bé chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. Nhịp đưa nhẹ nhàng từ nôi tự động sẽ tạo cho bé cảm giác thoải mái, du dương, từ đó cho bé một giấc ngủ ngon hơn.

Cho bé ngủ trong nôi, cũi giúp tạo thói quen ngủ tự lập cho bé, ít bám mẹ và ngủ ngon hơn

Tập cho bé nhận biết ngày và đêm

Tập bé phân biệt ngày và đêm là cách tốt nhất có thể giúp bé khắc phục tình trạng khó ngủ vào ban đêm. Mẹ nên cho bé bắt đầu ngủ lúc 19h và cho trẻ bú thêm một cữ vào giữa khuya để bé có thể ngủ xuyên suốt đến 7-8h hôm sau. Bố mẹ nên hạn chế cho bé ngủ quá nhiều vào ban ngày, thường xuyên trò chuyện và chơi với bé và chỉ cho bé ngủ mỗi giấc khoảng 1 tiếng.

Phân chia thời gian ngủ hợp lý cho bé

Trẻ sơ sinh thường ngủ theo bản năng, ngủ ngày nhiều đêm ít.  Chính vì thế, bố mẹ cần điều chỉnh thời gian ngủ cho bé một cách hợp lý vì mỗi giai đoạn phát triển trẻ thì đồng hồ sinh học và giấc ngủ của trẻ cũng sẽ có sự thay đổi. Các mẹ bỉm có thể tìm hiểu thêm bảng thời gian ngủ phù hợp dành cho bé để có thể phân chia thời gian ngủ dành cho bé hợp lý hơn nhé. 

Một số câu hỏi thường gặp

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ vào ban ngày

Ban ngày là thời gian trẻ sơ sinh dành phần lớn để ngủ, tuy nhiên bé lại khó ngủ và không chịu ngủ vào ban ngày. Lý giải cho trường hợp này có thể là do nhiệt độ phòng khiến trẻ không thoải mái, ánh sáng trong phòng quá gay gắt và bố mẹ nên kéo rèm và cho bé ngủ trong một không gian yên tĩnh để bé có thể dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Trẻ thường giật mình khi buồn ngủ, tình trạng này có bình thường không? 

Đây là một biểu hiện rất bình thường và có đến 70% người lớn và trẻ em gặp phải tình trạng này. Tay chân bé sẽ giật nẩy khi bắt đầu chìm vào giấc ngủ và nguyên nhân có thể là do bé bị thiếu ngủ, căng thẳng hoặc mệt mỏi. Do đó, bố mẹ cần chú ý hơn thói quen và giấc ngủ của bé.

Giai đoạn đầu đời là thời gian bé vừa tiếp xúc, thích nghi và bắt đầu phát triển. Do đó, tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ không phải là vấn đề hiếm gặp mà đây có thể là những phản ứng của cơ thể bé khi vừa bước ra thế giới bên ngoài. Do đó, bố mẹ không cần quá lo lắng và chịu khó dỗ dành khi bé khó ngủ. Tuy nhiên, nếu trường hợp này diễn ra thường xuyên và kéo dài thì đây cũng có thể là dấu hiệu báo động cơ thể bé không khỏe. Bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra và thăm khám kịp thời nhé!

← Bài trước Bài sau →
article