Lần đầu bé ăn dặm, bí quyết cho bé ăn ngoan với chế độ ăn giàu dinh dưỡng

Lần đầu bé ăn dặm, bí quyết cho bé ăn ngoan với chế độ ăn giàu dinh dưỡng

Ăn dặm là bước tiến quan trọng trong giai đoạn phát triển của trẻ ở năm tháng đầu đời. Trẻ ngồi ăn ngoan và kèm theo bữa ăn giàu dinh dưỡng luôn là viễn cảnh được nhiều phụ huynh ao ước khi bé bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng cho thấy cha mẹ sẽ phải quay cuồng vì bé không hợp tác và không biết nên xây dựng chế độ ăn như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Nếu bạn đang tìm hiểu về các bữa ăn dặm của bé thì hãy cùng Autoru tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé!  

1. Tìm hiểu về ăn dặm cho trẻ 

Ăn dặm là giai đoạn trẻ bắt đầu bổ sung dưỡng chất từ bên ngoài kéo dài từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 18 trong những tháng phát triển đầu đời của trẻ. Lúc này, sữa mẹ sẽ bắt đầu loãng đi, không còn đảm bảo đủ dưỡng chất để cung cấp cho quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Thay vào đó, bé sẽ bắt đầu làm quen với nguồn dinh dưỡng từ các thực phẩm bên ngoài để cung cấp đủ nguồn năng lượng cho bé cao lớn và phát triển.

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia dinh dưỡng, sữa mẹ chỉ có thể đáp ứng ½ nhu cầu về dinh dưỡng cho bé ở giai đoạn 6-12 tháng tuổi. Tùy vào điều kiện và thể trạng phát triển của mỗi bé mà mẹ có thể xây dựng thực đơn, cũng như áp dụng các phương pháp ăn dặm phù hợp để bé được phát triển tốt nhất. 

Bé ăn dặm

Ăn dặm là giai đoạn đánh dấu sự phát triển quan trọng của bé trong những năm tháng đầu

2.  Khi nào nên bắt đầu cho bé ăn dặm? 

Bước sang giai đoạn ăn dặm chính là đánh dấu cột mốc mới trong hành trình lớn khôn của bé. Nhiều mẹ bỉm thường lầm tưởng rằng 6 tháng tuổi là thời điểm bắt buộc cho bé ăn dặm. Tuy nhiên đây chỉ là giai đoạn khuyến cáo, không phải là tiêu chuẩn duy nhất mà mẹ có thể áp dụng trong mọi trường hợp. Thời điểm cho bé ăn dặm còn phụ thuộc và điều kiện thể trạng của mỗi bé và thời gian phát triển của mỗi trẻ có thể sẽ khác nhau. Do đó, mẹ nên xác định thời điểm ăn dặm phù hợp cho bé thông qua một số dấu hiệu sau đây: 

  • Bé có thể tự ngồi và biết giữ đầu thẳng, biết há miệng khi đưa đồ ăn lại gần.

  • Bé bắt đầu có phản xạ hứng thú với những đồ ăn xung quanh.

  • Biết từ chối thức ăn không thích và ngoảnh đầu đi nếu không muốn ăn món đó.

  • Cân nặng của bé được 7.9kg đối với bé trai và 7.3kg đối với bé gái là có thể bắt đầu cho bé ăn dặm.

  • Miệng bé bắt đầu nhóp nhép.

  • Bé có thể uống 1000ml sữa mỗi ngày.

  • Sau khi mẹ cho bú nhưng bé vẫn khóc đòi ăn.

Xác định thời điểm ăn dặm rất quan trọng đối vì cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc muộn đều có thể xảy ra những vấn đề ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ. Nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm, đặc biệt dưới 5 tháng tuổi, bé có thể bị rối loạn tiêu hóa hoặc tiêu chảy. Lý do là vì hệ tiêu hóa của bé còn non nớt và chưa được hoàn thiện để có thể xử lý phần thức ăn được đưa vào ở thời điểm này. 

Ngược lại, nếu mẹ cho bé ăn quá trễ so với thời điểm được khuyến cáo như 8-9 tháng tuổi thì bé có thể gặp phải tình trạng thiếu chất, chậm lớn, kém phát triển và hụt cân so với số tuổi.

Trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm

Tùy vào thể trạng phát triển của mỗi bé sẽ có thời gian bắt đầu ăn dặm khác nhau

3. Cần chuẩn bị những gì cho hành trình ăn dặm của bé?

Trước khi bước vào hành trình ăn dặm của bé, mẹ cần chuẩn bị một số “tư trang” sau để giúp bé xây dựng thói quen ăn uống tốt và phù hợp với các phương pháp ăn dặm như:

  • Dụng cụ chế biến thức ăn: Máy xay thực phẩm, dụng cụ rây cháo để lọc cháo nhuyễn hơn, nồi và cốc nấu cháo có vạch định lượng.

  • Ghế ngồi ăn dặm: Mẹ nên chuẩn bị một chiếc ghế ngồi ăn chuyên dụng để tập cho bé thói quen ngồi yên ăn tại ghế. Một chiếc ghế có thể tùy chỉnh độ cao sẽ giúp bé cùng tham gia bữa ăn gia đình, đồng thời giảm nguy cơ bị mắc nghẹn khi ngồi ăn ngăn ngắn trên ghế.

Ghế ăn dặm cho bé

Ghế ăn dặm H1 là trợ thủ đắc lực giúp bé xây dựng thói quen ngồi ăn ngoan, không chạy nhảy 

  • Bộ dụng cụ ăn dặm cho bé: Bát, muỗng, dĩa, ly, nĩa với đa dạng màu sắc và chất liệu sẽ giúp bữa ăn của bé trở nên sinh động, hứng thú hơn. 

  • Yếm tập ăn dặm: ở thời gian đầu của kỳ ăn dặm, bé sẽ cần thời gian để làm quen với từng loại thực phẩm nên tình trạng ngậm, nhè đồ ăn, vương vãi đồ ăn khắp nơi sẽ diễn ra thường xuyên. Do đó, việc trang bị một chiếc yếm sẽ giúp bé hạn chế bị dính đồ ăn lên quần áo. 

  • Bình tập uống nước cho bé: Mẹ nên chuẩn bị những loại ly có miệng nhỏ để tránh tình trạng bé bị sặc nước hoặc nước tràn vào mũi khi uống.

  • Dụng cụ bảo quản thực ăn dặm cho bé: Đây là dụng cụ rất tiện lợi đối với những phụ huynh bận rộn, không có nhiều thời gian để nấu ăn mỗi ngày cho bé. Việc chuẩn bị sẵn thức ăn cho bé theo khẩu phần sẽ giúp mẹ tiết kiệm thời gian hơn trong quá trình chuẩn bị đồ ăn cho bé.

Dụng cụ ăn dặm cho bé

Dụng cụ ăn uống đặc sắc sẽ tạo hứng thú cho bé trong bữa ăn

Bữa ăn đầu tiên vẫn luôn là nỗi lo của các mẹ bỉm vì không biết bé có chịu hợp tác hay sẽ thực sự là một “trận chiến”. Bé cần có thời gian để thích nghi với các loại thực phẩm mới sau thời gian dài quen với sữa nên thường có xu hướng “chơi đùa” với các loại thức ăn mẹ đưa hơn là ăn một cách nghiêm túc.

Bên cạnh những dụng cụ đã kể trên, điều quan trọng khác mà mẹ cần chuẩn bị đó chính là sự kiên nhẫn và một tâm trạng sẵn sàng đón nhận. Bé có thể quấy phá thức ăn ở giai đoạn đầu, tuy nhiên đừng la mắng bé mẹ nhé, điều này sẽ khiến bé có tâm lý sợ hãi khi ăn uống. Thay vào đó, mẹ kiên nhẫn đồng hành cùng bé, đa dạng thực đơn ăn dặm mỗi ngày để tạo hứng thú cho bé trong mỗi bữa ăn mẹ nhé!

4. Nên cho bé ăn dặm như thế nào ?

Ăn dặm ở trẻ sẽ không giống như việc chúng ta ăn bữa cơm hàng ngày, điều này cần được xây dựng từ từ để bé kịp thích nghi với những thay đổi mới. Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính và mẹ nên bắt đầu chèn các bữa ăn dặm cho bé vào giữa các cữ uống sữa trong ngày.

4.1 Bữa ăn có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm

  • Nhóm chất béo: Bé cần được bổ sung cả 2 loại chất béo là mỡ động vật và dầu thực vật theo tỷ lệ là 6:4, xen kẽ ở các bữa ăn. Mẹ có thể bổ sung dầu thực vật cho bé thông qua các loại thực phẩm như dầu cá hồi, dầu mè, dầu đậu nành hay dầu ô liu… Tuy nhiên, đối với dầu gấc mẹ nên lưu ý, chỉ nên cho bé ăn 1-2 lần/tuần vì bé có thể thừa vitamin A và gây tình trạng vàng da.

  • Nhóm thực phẩm bột đường: Nhóm dinh dưỡng này thường chứa trong các loại thực phẩm như khoai, bột, gạo… Khi trẻ trên 1 tuổi, mẹ có thể biến tấu thực đơn ăn dặm với nhiều thực phẩm khác nhau như bánh đa, bún, phở, súp khoai tây…

  • Nhóm thực phẩm giàu vitamin và chất xơ: 2 loại dưỡng chất này chứa nhiều trong các thực phẩm như củ quả và rau xanh. Chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp bé hạn chế táo bón. Tuy nhiên, rau củ quả không chứa nhiều năng lượng, mẹ không nên cho quá nhiều vào bữa bột của bé vì có thể khiến bé lên cân chậm. Đối với bé mới bắt đầu ăn dặm, mẹ nên chọn những loại rau mềm, bỏ cuống lấy lá để bụng bé dễ tiêu hóa.

  •  Nhóm cung cấp chất đạm: Đây là nhóm thực phẩm giàu năng lượng và dưỡng chất, được khuyến khích bổ sung cho bé ở giai đoạn đầu của thời kỳ ăn dặm. Đạm chứa nhiều trong thịt các loại động vật như cá, heo, gà, bò…

 

Bé ăn dặm

Bé cần được bổ sung đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất khi ăn dặm

4.2 Ăn từ loãng đến đặc dần, từ ít đến nhiều

Để hệ tiêu hóa của bé bắt đầu làm quen với thực phẩm, mẹ nên cho bé ăn ít thức ăn, nên ở dạng loãng để bắt đầu thích nghi. Khi chế độ dinh dưỡng mới đã dần quen với bé, mẹ có thể bắt đầu tăng dần lượng và độ đậm đặc của thức ăn. Mẹ cũng lưu ý chỉ nên sử dụng muỗng bằng nhựa mềm, cao su khi cho bé ăn để hạn chế gây tổn thương nướu.

4.3 Cho bé làm quen với thực phẩm mới từ 3-5 ngày

Đây là thời gian thích hợp để mẹ có thể quan sát phản ứng của bé đối với thực phẩm. Nếu bé xuất hiện những biểu hiện dị ứng, mẹ cần đưa bé ngay đến bác sĩ để thăm khám và điều trị. Mẹ nên lắng nghe mong muốn và thấu hiểu những sở thích thông qua những biểu hiện của bé về món ăn, những thực phẩm nào bé không thích, mẹ có thể ngưng một vài ngày và bắt đầu cho bé ăn lại.

4.4 Cho bé ăn từ ngọt đến mặn dần

Đối với bé bắt đầu tập ăn dặm, mẹ nên sử dụng những loại thực phẩm có khẩu vị thiên ngọt như khoai lang, chuối hay táo… Trong giai đoạn bé đang tập quen với vị từ các loại thực phẩm thì mẹ nên cho bé làm quen với vị ngọt đầu tiên vì nó rất dễ ăn và tương tự với sữa mẹ, bé sẽ không cảm thấy bị thay đổi đột ngột và phản ứng.

Mẹ có thể nghiền mịn các loại củ hoặc quả và trộn với sữa bột, sữa mẹ để bé có khẩu vị quen thuộc ở bữa ăn dặm đầu tiên. Các loại dinh dưỡng khác có ở các loại thực phẩm như rau, thịt, cá mẹ có thể dần dần bổ sung vào những bữa ăn sau của bé và đặc biệt không nên nêm gia vị, bột ngọt hay bột nêm vào thức ăn dặm của bé trong thời gian đầu mẹ nhé! 

Bé ăn trái cây

Mẹ nên sử dụng những loại thực phẩm có khẩu vị thiên ngọt để bé tập quen dần

5. Nguyên tắc cho bé ăn dặm lần đầu mẹ cần lưu ý

5.1 Xây dựng thời gian biểu cụ thể cho bữa ăn dặm của bé

Xây dựng thời gian biểu ăn dặm cho bé là điều được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên trong thời kỳ đầu ăn dặm của bé. Bên cạnh thực đơn, mẹ cần có thêm một bảng chi tiết để theo dõi cân nặng và chiều cao của bé qua từng tháng tuổi để có thể linh động thay đổi thực đơn phù hợp với bé. Với thời gian biểu của bé, mẹ nên có những thông tin chi tiết như: thức ăn nên ưu tiên và hạn chế cho bé, thành phần dinh dưỡng của từng loại thực phẩm…

5.2 Cân bằng lượng thức ăn dặm và sữa mẹ bổ sung cho bé

Trong những năm tháng đầu đời, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hệ miễn dịch của trẻ ở giai đoạn này còn rất yếu và sữa mẹ chính là nguồn cung cấp kháng thể hiệu quả nhất dành cho bé. 

Do đó, để đảm bảo lượng dinh dưỡng và kháng thể cho bé ở giai đoạn ăn dặm, mẹ nên cân bằng giữa lượng sữa mẹ và thức ăn dặm bổ sung cho bé. Mẹ nên tiếp tục duy trì thói quen cho con bú sữa mẹ đến khi tròn 1 tuổi và nên tham khảo thêm thông tin về lượng sữa phù hợp cần cung cấp cho bé ở giai đoạn này. 

 

Bổ sung sữa bình cho bé

Cân bằng lượng sữa mẹ và thức ăn dặm để đảm bảo đủ dưỡng chất cho sự phát triển của bé

5.3 Nên dừng ăn dặm khi bé có biểu hiện không hợp tác

Hệ tiêu hóa của trẻ giai đoạn đầu ăn dặm còn rất yếu, mẹ nên theo dõi và quan sát kỹ biểu hiện của bé với thức ăn. Nếu bé bắt đầu không hợp tác trong quá trình ăn dặm như: lấy tay che miệng, phun nhả thức ăn hoặc tránh mặt đi không chịu ăn… thì mẹ nên đồng thuận và tạm dừng việc cho bé ăn.

Để mỗi bữa ăn của bé là một niềm vui, mẹ nên lắng nghe mong muốn của bé và không nên tạo áp lực bằng việc ép bé ăn. Điều này sẽ khiến bé nảy sinh tâm trạng lo sợ khi ăn, đồng thời nếu phát hiện bé có dấu hiệu dị ứng với thức ăn dặm như tiêu chảy, nôn mửa hay phát ban thì mẹ nên dừng ngay việc cho bé ăn và đưa bé đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.  

Bé khóc khi ăn dặm

Mẹ nên dừng cho bé ăn mỗi khi bé có dấu hiệu bất hợp tác

5.4 Ưu tiên hương vị tự nhiên trong bữa ăn của bé

Ăn dặm là giai đoạn bé bắt đầu tập quen với hương vị tự nhiên của các loại thực phẩm. Việc nêm thêm gia vị như bột ngọt, đường hay muối có thể làm mất đi hương vị tự nhiên của thức ăn dặm và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ nếu mẹ lạm dụng. 

5.5 Kiên nhẫn với bé là điều cần thiết

Theo thống kê từ các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em, mẹ cần cho bé thử trung bình 5-10 lần thì bé mới có thể quen khẩu vị với thức ăn mới. Chính vì thế, việc bé phun, nhả thức ăn ngay lần đầu ăn dặm là điều hết sức bình thường. Phụ huynh hãy cố gắng kiên nhẫn, thử cho bé ăn nhiều lần khác để bé có thời gian làm quen với khẩu vị mới. Đây chính là nền tảng xây dựng thói quen ngồi ăn ngoan cho bé và hạn chế tình trạng bé kén ăn sau này.

5.6 Không nên ép ăn khi bé không muốn

Để tránh gây sợ hãi và ám ảnh cho bé trong những bữa ăn sau, mẹ nên học các lắng nghe và tôn trọng sở thích ăn uống của bé. Không nên ép hay lớn tiếng khi bé không chịu ăn mà mẹ hãy tạm ngưng và thử tập lại cho bé ăn loại thực phẩm này sau thời gian 1-2 tuần nhé. 

Mẹ cho bé ăn dặm

Mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi bé có biểu hiện thèm ăn và có thể ngồi vững

5.7 Chỉ bắt đầu ăn dặm khi bé có nhu cầu

Mẹ nên bắt đầu bữa ăn dặm đầu tiên cho bé nếu phát hiện bé có một số dấu hiệu thèm ăn như:

  • Miệng nhóp nhép khi thấy thức ăn.

  • Nhìn theo thức ăn mỗi khi mẹ đưa lại gần.

  • Bé đã có thể ngồi vững.

6. Một số kiểu ăn dặm giúp bé ăn ngon, giàu dinh dưỡng

6.1 Ăn dặm tự chỉ huy

Đây là phương pháp giúp bé hoàn toàn chủ động trong các bữa ăn dặm, từ đó tạo sự thích thú và không mang tâm lý sợ bị ép ăn. Mẹ sẽ bắt đầu kiểu ăn dặm tự chỉ huy với việc cắt nhỏ các loại thực phẩm, bày ra khay đựng thức ăn, cho bé ngồi vào ghế và để bé tự dùng tay lấy những thực phẩm mà mình muốn ăn. Với phương pháp này, bé có thể sẽ hứng thú hơn với việc ăn uống, tuy nhiên bé sẽ không ăn được nhiều và vui đùa với thức ăn là chủ yếu. 

Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy giúp bé chủ động và tạo cảm giác hứng thú trong từng bữa ăn

6.2 Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Đối với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mẹ sẽ nấu 4 món ăn chứa 4 nhóm thành phần dinh dưỡng cần thiết cho bé và chia riêng mỗi nhóm dinh dưỡng vào một chén nhỏ. Điều này giúp bé được bổ sung đầy đủ dưỡng chất và việc nếm riêng từng nhóm dinh dưỡng cũng giúp bé không bị ngán và cảm nhận rõ mùi vị của từng loại thực phẩm. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mang lại hiệu quả dinh dưỡng cao nhưng lại khá cầu kỳ và tốn nhiều thời gian chuẩn bị, do đó mẹ có thể cân nhắc.

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Những món ăn chứa mỗi nhóm dinh dưỡng sẽ được chia ra từng chén nhỏ để bé cảm nhận rõ từng vị

6.3 Phương pháp ăn dặm truyền thống

Đây là phương pháp ăn dặm rất phổ biến và được nhiều phụ huynh Việt Nam áp dụng vì sự tiện lợi và đầy đủ dưỡng chất. Mẹ chỉ cần chuẩn bị các loại thực phẩm cần bổ sung cho bé, xay nhuyễn, nấu dưới dạng cháo hoặc bột và dùng muỗng đút cho bé ăn. 

Phương pháp ăn dặm truyền thống

Phương pháp ăn dặm truyền thống được nhiều phụ huynh ưa chuộng 

Lần đầu ăn dặm là cột mốc quan trọng trong những năm tháng đầu đời của trẻ. Một chế độ ăn phù hợp với đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp bé phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí tuệ. Mẹ nên phối hợp đa dạng các phương pháp ăn dặm, không chỉ giúp bé bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết mà còn giúp bé tăng hứng thú trong các bữa ăn dặm. Hành trình cùng bé lớn khôn muôn vàn vất vả, nhưng hãy cố gắng vì một tương lai bé khỏe, bé ăn ngoan mẹ nhé!                                                                             

← Bài trước Bài sau →
article